2009

Những bài viết và chia sẻ của tác giả ABA (bút danh trước đây là Duy Tuệ) năm 2009

Như Lai Lực

        Trong đời sống của mỗi người chúng ta, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những vấn đề rắc rối, nhất là những người nghèo khổ, thiếu tiền, thiếu phương tiện sống. Mặc dầu quý vị đều biết tiền không thể mua được hạnh phúc, không thể mua được sức khỏe, không thể mua được giá trị con người, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận tiền có một giá trị, có một sức mạnh nhất định đối với đời sống con người. Nó là một phương tiện cần thiết thực sự mà chúng ta không thể xem thường cũng như không thể phủ nhận giá trị sức mạnh của nó .

 

Tuy tiền là thực sự cần thiết nhưng nó cũng từ cái đầu mà ra, hay nói cách khác tiền cũng được làm ra từ cái đầu. Nếu tiền chỉ được làm ra từ hai tay, hai chân thì không đủ sống, nó còn được làm ra từ cái đầu. Thầy đã chia sẻ với quý vị nhiều lần, lúc còn nhỏ, Thầy thấy những người đi mót củi trên rừng, những người lao động trong ruộng rẫy, họ lao động toàn bằng chân tay và rất cực, họ ít sử dụng cái đầu. Cái đầu của họ chỉ để sử dụng để xem nên đi hướng này hay hướng kia để có thể nhặt được nhiều củi, hay để biết xem mùa này nên trồng loại gì, hoặc là để nghĩ cách để bảo vệ thành quả lao động của mình. Lúc đó, Thầy không hiểu ngoài sức mạnh tay chân, mình còn sức mạnh gì khác và không biết nếu chỉ dựa trên sức mạnh tay chân thì cuộc sống không đủ ăn. Kể cả khi lớn lên mình làm ăn thành công, rồi thất bại mình cũng không biết điều này, mà chỉ biết là con người cần phải có trí tuệ, minh mẫn, vân vân… chứ chưa thực sự biết đến sức mạnh của cái đầu.

 

Mãi sau này, như là có một sự dìu dắt để cuối cùng Thầy đi vào sự trải nghiệm thực sự về cái đầu. Nhưng trải nghiệm thực sự về cái đầu không phải là trải nghiệm về sức mạnh của cái đầu mà là trải nghiệm về những tính chất đã làm cho cuộc sống mình khó khăn, khổ đau nhiều hơn. Đó là trải nghiệm khổ đau về cái đầu, song đó là trải nghiệm về hạnh phúc do cái đầu đem lại hay là trải nghiệm về hạnh phúc có thật, nhưng dữ dội nhất, ấn tượng nhất là trải nghiệm về sự khổ đau do cái đầu gây ra.

 

Quý vị cũng biết rõ là sự khác nhau giữa con vật và con người là ở cái đầu . Ở con vật, nó cũng có cái đầu, cũng có cái não, nhưng nó không phát triển được khả năng hiểu biết của nó. Nó không suy tính được, không có khả năng phát minh sáng tạo. Ngược lại, con người có khả năng phát minh. Khả năng phát minh này chính là sức mạnh thực sự của con người. Cho nên một người nặng 50 kg có thể làm một cái bẫy để bắt một con voi nặng hàng tấn.

 

Ánh mắt của con người nói lên tất cả sự sâu thẳm bên trong của đầu óc của con người ấy, nó nói lên cái thần lực, nội lực, nói lên sự mênh mông vô tận của đầu óc. Hằng ngày, quý vị có thể đứng trước gương nhìn ánh mắt của mình để phát hiện ra sức mạnh đầu óc của mình qua ánh mắt. Dĩ nhiên là khi chúng ta nhìn vào ánh mắt của chúng ta qua kính, chúng ta phát hiện sức mạnh sâu thẳm nhất của mình và chúng ta cũng nhìn thấy những điều tiêu cực trong đầu óc của mình . Nó được thể hiện hết qua ánh mặt, từ những cái sâu thẳm, những cái vĩ đại, những cái hồn nhiên, đẹp đẽ nhất đến những điều tiêu cực, những hạn chế nhất của mình.

 

Mình không thấy được cái đầu của mình, nhưng mình điều chỉnh được ánh mắt của mình cũng chính là mình điều chỉnh được tâm hồn của mình. Ánh mắt mình hiền hòa, rộng mở, ánh mắt mình linh hoạt, ngay thẳng, ánh mắt mình yêu thương, thông cảm, v.v… chúng ta có thể điều chỉnh được, nên chúng ta có thể điều chỉnh cái đầu của chúng ta được.

 

Một con người hoàn hảo là không thể có được, chúng ta biết như vậy để không ngại ngùng, hay che dấu yếu điểm của mình, và mạnh dạn thay đồi. Một người đủ can đảm, đủ bản lĩnh dám nhìn thấy hết sự yếu kém của mình, những tật xấu của mình, những nhỏ nhoi của con người mình, người ấy có thể thay đổi được nhiều chuyện trong trời đất. Người ấy thực sự trưởng thành và có đủ bản lĩnh để từng bước thay đổi cuộc đời mình và thay đổi được các tình huống của cộng đồng. Nhưng họ phải đi từ trong dũng cảm, từ trong trong bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào mặt mình, soi rọi tâm hồn mình, nhìn thấy được những thói quen, những kinh nghiệm, những cái dở nhất đã tồn tại lâu đời trong đầu óc của mình.

 

Vừa qua, ông Duy Định có nói với Thầy, ông nằm mơ thấy có một con rắn thật to, mọi người sợ không ai dám tới gần, ông ấy mới xông tới chặt đầu con rắn đó. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện của Thầy từ lâu lắm, trước khi Thầy có trải nghiệm về hạnh phúc. Thầy cũng nằm mơ thấy mình vào trong một cái phòng có một con rắn hàng ngàn năm tuổi, vẩy phủ bạc trắng từ đầu tới đuôi của nó. Nó ngóc đầu lên một cách chậm chạp, và Thầy đã lấy một con dao thật to chặt đứt cái đầu của nó. Đến giờ này, Thầy mới nhận thức được đó là điều báo trước rằng mình sẽ tiến tới chỗ phát hiện và chặt đứt con rắn ngàn năm nằm trong cái đầu của mình. Đó là những suy tư, những đánh giá, những tiêu cực, những ý tưởng không tốt cho đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của mình. Đó chính là hình ảnh của con rắn, nó báo trước một cuộc cách mạng của đầu óc sẽ diễn ra, và mình sẽ không còn tin vào những gì mình suy nghĩ và đánh giá nữa.

 

Bởi vậy sự khác biệt giữa con người với con vật chính là trong cái đầu. Nhưng cái mạnh nhất, đẹp nhất trong cái đầu của con người không phải là mưu lược, không phải là tham vọng. Cho nên, người hành giả Minh triết phải cố gắng có đủ bình tỉnh để nhìn lại hết, tự mình hoàn thiện đầu óc của chính mình để được sống hạnh phúc. Những người mê tín dị đoan có đặc điểm là sống bằng xúc cảm tưởng tượng, bằng sức mạnh của sự tưởng tượng, bằng mưu mẹo vặt. Những cái đó sẽ tàn phá con người một cách ghê gớm. Chúng ta không nên chủ quan rằng chúng ta không có những điều này, vì nó tiềm ẩn trong tất cả mọi con người, cho nên chúng ta phải canh chừng nó để làm một cuộc cách mạng cho đầu óc của chính mình. Đó là nét đẹp thực sự. Trong quan hệ cư xử với nhau, chúng ta thể hiện sự linh lợi, sự kiên nhẫn, giúp đỡ lẫn nhau mà không thể hiện sự lanh lợi, hơn thua với người khác.

 

Chính sự hơn thua nhỏ nhen là một cái quả báo, đeo đẳng mãi trong đầu óc chúng ta, liên tục hành hạ mình cho đến khi mình chết, không thể giải thoát được. Trước khi chết không giải thoát được và dĩ nhiên sau khi chết cũng không giải thoát được. Cái tồn tại sau cái chết chính là hiện thân của đầu óc nhỏ nhen, những ý tưởng của đầu óc nhỏ nhen tập trung lại thành một thế giới và tồn tại khi chúng ta tắt thở. Đó gọi là quỷ, là ma, và không có hình ảnh nào của ma quỷ là tốt cả. Khi người ta nói tới ma là nói tới một ảo tưởng, một tính nhỏ nhen, một sự trắc trở trong đầu óc của một người lúc còn sống, nó tồn tại khi tắt thở và nó lấy Phật tính làm tính chất, làm vật trung gian, làm nền tảng để nó tồn tại . Phật tính còn hiện hữu trong ý niệm tiêu cực này khi nó còn tồn tại.

 

Chúng ta phải hiểu rằng nếu không tẩy trừ điều này thì cuộc đời chúng ta sẽ tự làm mình khổ đau mãi. Cho đến khi mình tắt thở nó trở thành một khối niệm tưởng. Sự ghen ghét, hãm hại người, không thông cảm với người, sự tức giận, buồn đau, thương xót, luyến nhớ… sẽ lưu trữ mãi trong đầu óc của chúng ta, khi tắt thở nó sẽ được Phật tính nuôi dưỡng. Do đó, nếu chúng ta biết cách làm cho những niệm tưởng ấy mất đi thì cũng làm cho vong hồn ấy siêu thoát. Sau khi chết, Phật tính giúp những niệm tưởng ấy tiêu tan, nhờ vào tính biết, tính sáng, tính giác ngộ của Phật tính.

 

Quý vị thấy rất rõ, nhiều người trong chúng ta thực sự nể phục, thương quý, tin tưởng những người dám nhìn thẳng vào những yếu điểm của mình, nhìn thẳng vào sự thật trắc trở trong cái đầu của mình và kiên quyết vươn lên, vượt qua. Đó là người mà chúng ta có thể dựa vào. Còn những người chỉ toàn thấy mình hay, và chỉ thấy ở người khác toàn điều dở thì nguy hiểm vô cùng. Nếu không giải quyết được điều này thì chắc chắn chúng ta phải sống khổ đau, dù có khéo che đậy bên ngoài cách mấy và khi mất đi, nỗi khổ đau này còn nguyên vẹn. Sự chân chính giải thoát, đích thực giải thoát là phải giải thoát điều này ra khỏi đầu óc của mình.

 

Khi quý vị giải thoát ra khỏi lòng chấp của mình, ra khỏi kinh nghiệm của mình thì mình sẽ đi đâu, mình sẽ ở trong cảnh giới nào ? Không có cảnh giới nào, không có sự chứng ngộ, không có sự đắc quả, không có thế giới bên kia nào cả. Cái đèn trí huệ của chúng ta vỗn dĩ phát ra ánh sáng, nhưng do chúng ta sinh ra, lớn lên và làm việc trong một môi trường mà ở đó lòng chấp tồn tại và nó đã che phủ tầng tầng, lớp lớp ánh sáng của ngọn đèn trí huệ. Nếu chúng ta bỏ bớt một lớp thì ánh đèn sẽ sáng lên một chút, và nếu chúng ta cởi bỏ hết lòng chấp thì ngọn đèn trí huệ sẽ được sáng lên. Không hề có chuyện chứng ngộ, đắc đạo, đắc quả, không hề có chuyện bên kia thế giới. Đó chỉ là chuyện do người ta vẽ lên để động viên người khác, khuyến dụ người khác.

 

Khi đã trút bỏ hết gánh nặng tưởng tượng của lòng chấp ấy ra khỏi đôi vai mình, thì sức mạnh thực sự của mình bắt đầu được phát huy. Người học Minh triết được may mắn ở chỗ, chúng ta gánh quá nhiều trên đôi vai của mình, nên khi bỏ được gánh nặng xuống mình cảm thấy rất rõ sự nhẹ nhàng, hơn là những người không gánh nặng. Đó là chỗ chúng ta tin, tin ở sức mạnh có thực, một sức mạnh huyền nhiệm. Chúng ta phải thường xuyên giữ gìn và phát triển sức mạnh này. Và đó là Như Lai thần lực của mỗi người .

 

Mỗi người đều có sẵn Như Lai lực nhưng từ trước đến nay không ai chỉ ra cho mình cả. Nó là một sức mạnh có thật và nó đem lại cho chúng ta một đời sống hoàn hảo. Chỉ cần bóc bỏ những chấp nhất ra khỏi đầu thì sức mạnh này lập tức lộ ra. Đây là điều mà chư Phật muốn chỉ cho các đệ tử của mình. Bởi vậy, Thầy tha thiết kêu gọi quý vị hãy cố gắng bỏ những cái tầm thường của mình đi, quý vị không mất gì hết mà được rất nhiều.

 

Trở lại những phương pháp mà trước đây Thầy đã hướng dẫn, mỗi người ít nhất mỗi tuần phải bỏ ra một giờ đồng hồ để ngồi một mình, nhắm mắt 30 phút, mở mắt 30 phút. Mở mắt để nhìn thật rõ tất cả những cái xung quanh mình, quan sát thật rõ từng vấn đề, từng con người, từng cảnh vật xung quanh, 15 phút quan sát bên ngoài, 15 phút quan sát bên trong tâm hồn của mình. Quý vị quan sát xem còn những đám mây gì bên trong, ôn lại, nhớ lại, có thể nó hiện lên trong giấc mơ, có thể nó xuất hiện trong quá trình giao tiếp. Trong 30 phút còn lại, 15 phút lắng nghe bên trong, 15 phút lắng nghe bên ngoài, lắng nghe âm thanh của vũ trụ, âm thanh của tất cả những gì xảy ra xung quanh, cố gắng nghe thật rõ và đồng thời lắng nghe cả trạng thái không có âm thanh của Trời đất và trạng thái không âm thanh của những âm thanh đang hiện hữu. Sau đó, chúng ta cũng lắng nghe bên trong. Điều này cần phải tập, Thầy nhắc lại ít nhất mỗi tuần một giờ đồng hồ.Nếu quý vị không tập thì như Lai lực của quý vị phát ra không bền.

 

Việc lắng nghe bên trong có hai nội dung: nội dung tiêu cực (hữu hình) và nội dung ngoài tiêu cực (vô hình).


Tiêu cực là những tính nết của mình, phải lắng nghe cái nết của mình, ví dụ như tính thích ngồi lê đôi mách, thích nói chuyện hàng xóm, thích quan sát người khác. Khi mình quan sát và lắng nghe những cái nết của mình để bỏ đi, kể cả những cái tốt cũng phải bỏ, thì Như Lai lực của mình dần dần được phát ra. Khi quý vị nhận biết được những nết thầm kín bên trong của mình, mình dừng lại, nói chuyện với nó, bàn thảo với nó, nói với nó rằng nó đã làm cho chúng ta khó khăn suốt bao nhiêu năm qua, nó thường hay xuất hiện , nó hành hạ chúng ta, khiến chúng ta phải giải quyết những thèm muốn của nó, khiến chúng ta phải lệ thuộc vào nó, làm cho con người chúng ta hết sức tầm thường, làm cho sức mạnh của Như Lai lực của chúng ta không phát ra được. Khi quý vị dừng lại nói chuyện với nó được rồi, thì Như Lai lực được phát ra. Và khi quý vị kiên quyết đi theo con đường này thì mọi người đều thấy được một lực hấp dẫn từ quý vị, sự hồn nhiên của quý vị có sức quyến rũ người khác chứ không phải sự lanh lợi.


Một điều nữa mà Thầy khuyến khích quý vị cố gắng phát huy, đó là tạo một văn hóa khen ngợi, ít nhất là trong nội bộ gia đình Minh triết , tránh bớt sự chê trách vì nó sẽ khiến mình chựng lại. Quý vị cứ thử đi, ví dụ con mình tuổi dần, nếu mình nói với nó là nó tuổi dần, lớn lên sẽ hung dữ, theo tính chất của con hổ, và cứ lặp đi lặp lại điều này thì việc đó sẽ nhiễm vào đầu và hình thành tính cách đó trong con mình. Một tác hại vô cùng lớn. Do vậy, một ông thầy tử vi, tướng số có lương tri chỉ nên nói những lời khen tặng, động viên, nói những điều hy vọng sẽ khiến cho tương lai người ta tốt đẹp hơn. Lời khen là rất quan trọng, nó định hình, động viên, cổ vũ, giúp người ta đi lên. Ngay cả Đức Phật cũng sáng tạo ra một vị Bồ Tát thường xuyên khen ngợi người khác trong việc tu hành, khen ngợi những người nỗ lực để khám phá Phật tính của mình và an trú trong đó, đó là Phổ Hiền Bồ tát trong kinh Pháp Hoa. Cho nên quý vị hãy tập khen tặng con cái của mình, khen và định hướng đi cho nó, hướng nó phát triển thành một người có trí tuệ, có bản lĩnh, có nghề nghiệp, định hình về tính cách cho nó, hướng nó đến những phẩm chất tốt đẹp, hiền hòa, lịch sự.

 

Khi Phật tính phối hợp với một bộ não tốt, hoàn hảo thì sẽ tạo ra một sức mạnh ghê gớm trong con người . Nhưng nếu Phật tính phối hợp với một bộ não không tốt, hay sống với những ảo tưởng, thì sức mạnh tiêu cực ngược lại cũng rất lớn. Khi Phật tính phối hợp với bộ não tốt, nếu ta gieo hạt giống nào thì nó sẽ ra thứ ấy, gieo hạt giống tích cực nó sẽ nảy mầm tích cực, gieo tiêu cực sẽ ra tiêu cực, gieo tưởng tượng sẽ ra sức mạnh tưởng tượng. Đối với đồng bào nông thôn nghèo đói, không có điều kiện học hành, chúng ta nắm nguyên tắc một bộ não khỏe mạnh phối hợp với Phật tính, chúng ta gieo vào trong đầu óc họ một niềm tin rằng họ sẽ dư ăn dư mặc, đủ điều kiện cho con cái đến trường, làm cho họ tin vào khả năng, vào định mệnh tốt đẹp của họ để đổi cái suy nghĩ tiêu cực trong quá khứ thành suy nghĩ tích cực. Tất cả các hành giả Minh triết hãy làm sứ mệnh của mình là đi gieo hạt giống định mệnh lành cho tất cả mọi người đang khó khăn, nghèo khổ ở mọi nơi. Chúng ta nhất định không chấp nhận, phản đối và thức tỉnh mọi người chung quanh mình về việc chấp nhận khó khăn hiện tại như một sự trả nghiệp do đời trước không tu hành vì đây là một sự giáo dục sai lầm, có thể hủy diệt một đời người, hủy diệt tương lai của cả một thế hệ. Và đây là một chuyện từ thiện có giá trị hơn gấp nhiều lần so với những cách làm từ thiện khác.

Sau khi gieo hạt giống lành này cho mọi người, chúng ta tìm cách khen ngợi, động viên để họ tiến về phía trước, vượt qua khó khăn, nhắc nhở họ rằng luôn luôn có Phật tổ, có thần linh giúp đỡ họ. Đó là một trong những giá trị lớn nhất của tôn giáo.


Về phía cá nhân, để tạo một lực giúp mình tiến lên dễ dàng hơn trong những lúc sa sút về tinh thần, mất tự tin, quý vị cố gắng thuộc Bát Nhã tâm kinh. Bài kinh này nhắc mình chỉ dựa vào sự thấy, sự biết, sự nghe thuần khiết, đừng đánh giá gì cả thì sẽ vượt qua tất cả mọi sự trở ngại ở đời. Đó là một bài tập có thể giúp cho quý vị những lúc cảm thấy không yên lòng, nó giúp mình đủ khả năng giải quyết những bài toán trong đầu và trong cuộc sống. Quý vị có thể đọc, ngâm thơ hay dùng bất cứ âm điệu nào, không cần đúng giọng ở Chùa, chỉ cần đúng theo tâm trạng của mình là được.

 

Nhân đây, Thầy cũng nhắc quý vị đừng hiểu nhầm rằng Thầy dị ứng với những phương pháp không theo đường lối Minh triết. Tất cả những điều Thầy làm cho quý vị đều nhằm mục đích giúp quý vị trưởng thành nhanh nhất, trở thành một chỗ dựa đúng đắn cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, nếu nó có thể ảnh hưởng ra ngoài được thì nó giúp tinh thần Phật giáo Việt Nam tốt hơn, phù hợp với văn hóa Việt Nam, có lợi cho dân tộc Việt Nam hơn. Và Thầy thấy rõ quý vị là những người có đủ khả năng để làm việc đó.

 

Một điều nữa, Thầy muốn nhắc quý vị rằng quý vị đều là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, nên quý vị đều biết sự chờ đợi và sự sống là hai việc đối nghịch nhau, nhưng sự chờ đợi và sự mất mát là đồng nghĩa với nhau. Chúng ta chờ đợi một ngày, một giờ, một tuần… thì sự mất mát không thể kể hết được, nên cách sống của người hành giả Minh triết là không sống trong sự chờ đợi. Đầu óc của hành giả Minh triết là một vật thể sống, lúc nào cũng sống và làm việc. Trong sự chờ đợi bao giờ cũng có trả giá và mất mát. Ví dụ, chúng ta chờ đến khi già mới tu học chẳng hạn thì từ giờ đến lúc đó không biết bao nhiêu sự mất mát, biết bao nhiêu cái giá phải trả. Vậy nên mình phải tập, phải thực hành được ngay trong đời sống của mình, hạnh phúc và cái được có ngay trong lúc mình hành động, chứ không phải hạnh phúc và cái được có lúc mình hoàn thành công việc. Quý vị tự kiểm nghiệm, quý vị sẽ thấy rõ điều này, vậy nên hãy bỏ khái niệm chờ đợi ra khỏi đầu óc của mình. Nếu chúng ta sống được như vậy thì khái niệm không gian và thời gian không tồn tại trong đầu óc của chúng ta, chúng ta sẽ sống với cuộc sống thật sự của mình, sống không có sự khởi đầu và cũng không có đích đến. Ví dụ, một người gặp một chuyện khổ đau trong gia đình, thường là họ chờ đợi cho chuyện đó chấm dứt thì họ mới hết khổ đau. Trong quá trình chờ đợi đó, họ đã tiêu diệt cuộc sống của mình, họ phung phí cuộc sống của chính mình. Cũng như vậy, nếu chúng ta nói mình tu để kiếp sau mình hưởng thì đó là chuyện không có thật. Bản thân người dạy người khác điều này thì họ đang âm thầm tận hưởng cuộc sống của họ từng giây từng phút và họ khuyến dụ người khác phải theo họ để kiếp sau hưởng. Nhiều tín đồ rất ngây ngô, đáng thương lại tin điều đó !

 

Thầy cũng đã chỉ cho quý vị thấy thế nào là nghiệp, là tạo nghiệp, là quả báo. Thầy nhắc lại để đầu óc chúng ta sáng hơn, trong hơn. Nếu chúng ta không ra khỏi thế giới kinh nghiệm, chúng ta chấp vào kinh nghiệm tức là chúng ta đang ở trong nghiệp. Nếu chúng ta phủ nhận,  không đánh giá chúng ta qua kinh nghiệm tức là đã hoàn toàn ra khỏi nghiệp lực. Chúng ta có thể sử dụng kinh nghiệm của mình nhưng không định giá trị của mình qua kinh nghiệm. Nghiệp không phải là cái kéo dài từ đời trước, đến bây giờ quá nặng nề mà không thoát khỏi được. Đó là sự giáo dục sai lầm từ khi chúng ta còn nhỏ, tiêm nhiễm cho đến bây giờ. Vậy nên, quý vị đừng quá tin vào ý tưởng của mình, và gán nó lên cho con cái mình, bắt nó đi theo con đường của mình, bắt nó suy nghĩ theo suy nghĩ của mình. Khi quý vị thấy được điều này, quý vị sẽ nhẹ bớt nỗi ưu tư của mình với con cái của mình. Và khi quý vị làm được điều này, quý vị sẽ phải coi chừng đừng để những lời bình phẩm của người đời áp đặt lên, làm ảnh hưởng đến mình .

 

Sức mạnh của tạo hóa vĩ đại như một quan tòa vô tư và rất công bằng. Đó không phải là một con người nhưng nó hành xử như một quan tòa công minh chính trực mà Thầy gọi là năng lực nhiệm mầu của tạo hóa. Nó không thuộc về bất cứ tôn giáo nào. Các tôn giáo mong muốn chiếm hữu sức mạnh này để làm cho tôn giáo của mình mạnh hơn. Mà tôn giáo đích thực là sản phẩm của con người, do đầu óc con người tạo ra và quý vị biết rất rõ là đầu óc con người không bao giờ hoàn hảo được, nên tôn giáo không bao giờ hoàn hảo được. Giống như vậy, việc xây dựng một thể chế chính trị của một đất nước, một châu lục cũng là do đầu óc con người, nhưng do đầu óc con người không hoàn hảo nên người ta không kiểm soát được ngay cái mà người ta xây dựng nên, cho đến khi nó quật ngược trở lại, gây ra những mâu thuẫn, có khi quyết liệt dẫn đến những tai họa khôn lường.

 

Về nhân quả, quý vị phải kiên quyết bỏ hết những tưởng tượng không thực tế và không thể đem những kết quả bất ngờ ra chứng minh nó. Ví dụ, quý vị có khi thấy dùng cách đặt tay chữa bệnh thì hết bệnh. Dù cho việc này có thật đi nữa thì cũng phải bỏ ra khỏi đầu óc, vì nó không căn bản, nó chỉ là chuyện bất ngờ, chứ không phải do năng lực của mình và điều này có hại vô cùng cho chính mình, làm cho mình tự hào, tự mãn, tự cao. Quý vị đã muốn phát triển đầu óc Minh triết thì phải kiên quyết, dứt khoát từ bỏ điều này.

 

Mặc dầu vừa rồi Thầy nói cho các đệ tử chùa Phù Châu, nhưng ở mỗi gia đình của quý vị nếu có thờ phượng thì cũng nên áp dụng. Nếu không thờ thì treo hình trong phòng khách cũng tốt, nếu thờ thì thờ thật đơn giản, trên cùng treo hình đức Phật Thích Ca, đây cũng là một vị Tổ của Minh triết , bên cạnh thờ đức Trần Nhân Tông cũng là một vị Tổ của Minh triết là người Việt Nam, bên dưới sắp xếp để hình của Cửu huyền Thất tổ, một bát nhang, bình hoa, nước, một đĩa trái cây... thật đơn giản, đừng để nhiều ảnh tượng vì nó sẽ tạo ra một sự rối loạn trong đầu óc, như một cuộc thánh chiến trong đầu óc của chính mình. Nếu gia đình nào không thờ phượng thì nơi phòng khách nên có một bức ảnh lớn treo trong phòng khách, Đức Trần Nhân Tông hay đức Phật đều được, hay cả hai đều được. Nếu trong phòng khách chỉ để những vật trang trí thể hiện sự vinh hoa phú quý thì không hay lắm, nên có hình ảnh của những vị lãnh tụ về tinh thần.

 

Thầy xin tạn biệt Quý vị!

 

Đạo sư Duy Tuệ

(Thuyết giảng ngày 07/11/2009)

 

Nhận xét